logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Các đơn vị sản xuất kinh doanh gỗ trực thuộc VRG: Khẳng định vị thế vững mạnh 15/01/2014

Doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch

Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, giá xăng dầu tăng nhiều, giảm ít kéo theo giá cả các loại nguyên vật liệu tăng: gỗ phôi tăng từ 5-7%, các loại phụ liệu tăng không dưới 5%, giá cả vận chuyển tăng từ 7-10%. Trong khi đó, giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng bình quân 1,5% với yêu cầu cao về chất lượng. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất kinh doanh ngành gỗ trực thuộc VRG vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch (KH) đề ra.

Đối với Công ty CP Gỗ MDF VRG – Quảng Trị, với bề dày trong kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh gỗ, công ty đã chủ động vượt qua khó khăn hoàn thành vượt mức KH (về đích sớm 31 ngày). Theo tính toán của lãnh đạo công ty, tính hết năm 2013, MDF VRG - Quảng Trị ước đạt tổng khối lượng sản xuất là 77.514 m3 sản phẩm, vượt 11% so với KH; tổng doanh thu đạt 347 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng. Với kết quả đó, một lần nữa Công ty CP Gỗ MDF VRG – Quảng Trị đã khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Cũng trong lĩnh vực chế biến gỗ MDF, tuy mới đi vào hoạt động nhưng Công ty CP gỗ MDF VRG dongwha - Đơn vị có công suất lớn nhất khu vực Châu Á với 300.000 m3/năm đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới với tỷ lệ xuất khẩu khá cao. Hiện nhà máy đã hoạt động đạt 85% công suất thiết kế, sản phẩm được khách hàng tin dùng.

Về phía Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An (GTA), tổng sản lượng gỗ sơ chế năm 2013 đạt 41.700 m3, 6.800 m3 tinh chế và 1.000 m3 gỗ ghép tấm. Tổng doanh thu ước đạt 458,399  tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 15,71  tỷ đồng; nộp ngân sách 10,136 tỷ đồng; lương bình quân 5,37 triệu đồng/người/tháng. Để có được kết quả khả quan như vậy, GTA đã chủ động tìm đến các khách hàng truyền thống để đàm phán về giá nhằm giữ chân khách hàng truyền thống cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời không ngừng đồng bộ hóa thiết bị máy móc, đa dạng hóa sản phẩm. Từ đó, doanh số và sản lượng đã tăng rõ rệt, cụ thể sản lượng tinh chế gỗ tăng lên 15,35% so với KH đầu năm 2013, đạt 115,35% so với cùng kỳ năm 2012.

Để giảm giá thành sản phẩm, qua quá trình thâm nhập thực tế, tìm tòi, học hỏi GTA đã có những kết quả thiết thực. Đến nay, việc pha một số màu sơn với nguồn nhân lực tại chỗ đã giảm thiểu chi phí trong sản xuất, nâng cao năng suất, đảm bảo thời gian giao hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hài lòng các khách hàng khó tính nhất.Việc tự pha màu sơn đã làm lợi bình quân 78 triệu đồng/tháng. Không chỉ thế, GTA còn có sáng kiến tận dụng dung môi pha màu sơn để giảm chi phí. Với sáng kiến này, công ty đã tiết kiệm được 800 lít dung môi/tháng, tương đương 27,2 triệu đồng/tháng.

Chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV vào ngày 1/7/2013, trên cơ sở sáp nhập 3 xưởng sản xuất (Dĩ An, Đông Hòa, Tam Phước), đến nay Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa (công ty con của Công ty CP CN&XNK Cao su) có bước phát triển khá ấn tượng. 

Ông Huỳnh Thanh Vạn – TGĐ công ty, cho biết tại thời điểm đầu tháng 12/2013, công ty đã nhận đơn hàng sản xuất đến tháng 3/2014, trị giá 3 triệu USD. Đây là năm đơn vị nhận được nhiều đơn hàng nội thất nhất từ trước đến nay. Do vậy, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều đạt và vượt kế hoạch. Nếu năm 2011 thu nhập bình quân đơn vị chỉ 3,6 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2013 đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng (tăng gần 39%). Năm 2013, công ty sản xuất 3.210 m³ gỗ tinh chế, tăng trưởng hơn 10% so năm 2012 và tăng đến 38% so năm 2011 (sản lượng 2.320 m³ tinh chế). Đặc biệt, công ty không có hàng tồn kho thành phẩm, nguồn vốn lưu động xoay vòng nhanh hơn.

Bên cạnh thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Ý, Úc, năm 2013 công ty đã phát triển mở rộng ra nhiều thị trường tiềm năng như Anh, Ai Len, Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu đơn hàng, công ty vừa lắp thêm 2 dây chuyền sản xuất và đưa vào hoạt động tại xưởng Tam Phước và xưởng Dĩ An. Để thuận lợi trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, công ty phân chia mỗi xưởng chuyên sản xuất từng chủng loại sản phẩm theo đơn đặt hàng. Chiến lược phát triển của công ty thời gian tới là đầu tư vào chiều sâu, tăng cường sản xuất hàng cao cấp.

Tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất gỗ MDF

Trong chiến lược phát triển sản phẩm gỗ của VRG, dự án sản xuất gỗ MDF VRG Dongwha sẽ đạt sản lượng 1 triệu m3 vào năm 2015. Thị trường xuất khẩu của sản phẩm là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Đông. Riêng tại thị trường Việt Nam, nhu cầu về sản phẩm gỗ hiện rất lớn với 1 triệu tấn, trong đó sản phẩm MDF chiếm 50%. Trước nhu cầu lớn mạnh của chủng loại sản phẩm này, hiện nay Công ty CP Gỗ MDF VRG - Quảng Trị đang xây dựng dây chuyền 2 với công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Quán Ngang, tỉnh Quảng Trị. Sản phẩm chính của nhà máy là ván MDF có độ dày 2,5 mm - 08 mm và độ dày 10 mm - 32 mm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Không chỉ thế, tại Kiên Giang, VRG cũng đang triển khai dự án Nhà máy Chế biến Gỗ MDF Kiên Giang. Nhà máy có tổng vốn đầu tư là 1.360 tỷ đồng; công suất thiết kế 75.000 m3/năm; Công nghệ ép liên tục. Thiết bị Châu Âu kết hợp Trung Quốc (trong đó thiết bị chính Châu Âu), dự kiến tiến độ triển khai xây dựng là 28 tháng. Hiện nay ban quản lý dự án đang thực hiện san lấp mặt bằng và trình xin kế hoạch đấu thầu, dự toán sẽ khởi công vào năm 2014.

Ng. Cường- Vũ Phong - Phan Thắng

Kim ngạch xuất khẩu gỗ có khả năng đạt 5,5 tỷ usd

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, gỗ và các sản phẩm từ gỗ tiếp tục nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao của nhóm ngành công nghiệp chế biến với kim ngạch 9 tháng ước đạt 3,83 tỷ USD, tăng 13,8%.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 8-2013, không khí sản xuất của DN ngành gỗ sôi động do đơn hàng tăng mạnh so với cùng kỳ, nhiều DN đã ký được đơn hàng đến hết năm. Ngoại trừ thị trường Đức và Pháp giảm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, Hoa Kỳ tăng 7,8%, Trung Quốc tăng 17,1%, Nhật Bản tăng 20,3%, và Hàn Quốc tăng 49% so với cùng kỳ năm 2012. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với tình hình thị trường, đơn hàng khả quan như hiện nay ngành gỗ sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm khoảng 10-15% và mục tiêu đạt 5,5 tỷ USD kim ngạch là hoàn toàn khả thi.

P.V

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ